Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG của Mỹ) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (ISRD, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) vừa đưa ra nhiều đề xuất về chính sách đặc thù cho Khu Kinh tế (KTT) Vân Phong.
Qua nghiên cứu và thảo luận, BCG – IRSD đề xuất 5 “chìa khóa” cho KKT Vân Phong như sau.
Cụ thể, trước tiên KKT Vân Phong nên tận dụng mô hình đa khu vực với Hòn Gốm, đóng vai trò là khu thương mại tự do nằm trong KKT nhằm hướng đến phát triển các ngành ưu tiên cụ thể với những chính sách hấp dẫn trong hoạt động.
Thứ 2, đề xuất mô hình khu thương mại tự do cho KKT Vân Phong thay cho mô hình khu phi thuế quan hiện tại nhằm tạo sự khác biệt hoàn toàn với KKT ven biển khác ở Việt Nam và tăng sức cạnh tranh với KKT ven biển khác trên thế giới.
Thứ 3, áp dụng chiến lược chính sách ưu đãi linh hoạt và thực tế, bao gồm cả chính sách tài khóa và phi tài khóa; chính sách tập trung theo ngành và chính sách cho toàn khu vực.
Thứ 4, BCG phối hợp với IRSD đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi cho KKT Vân Phong, trong đó suy xét đến cả tác động và tính khả thi của từng chính sách dựa trên luật hiện hành và các tiền lệ trong nước, quốc tế.
Thứ 5, hỗ trợ của trung ương về xây dựng cơ sở hạ tầng cho KKT sẽ được đưa vào khuôn khổ chiến lược nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của tỉnh, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, BCG – IRSD còn đưa ra 22 cơ chế chính sách cho việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong.
Về mục tiêu phát triển tổng thể các hoạt động công nghiệp, KKT Vân Phong cần 3 chính sách, bao gồm: Miễn thuế 6 năm và được giảm 50% thuế thương mại tự do cho 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê mặt nước, thuê đất 19 năm đối với dự án thuộc diện ưu tiên; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, người lao động cư trú tại tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, nguồn lao động cần đảm bảo được sự ổn định, tay nghề cao, chính sách hỗ trợ đào tạo ít nhất 10 triệu đồng/ người,…
BCG – IRSD còn cho rằng cần có 4 chính sách quan trọng dành cho KKT Vân Phong như sau: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, tối giản thủ tục thế chấp đối với các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng công nghiệp; tăng tiến độ viêc xây dựng cao tốc Tuy Hòa – Vân Phong và cao tốc Buôn Ma Thuộc – Nha Trang.
Đề xuất các chính sách cho mục tiêu phát triển du lịch bao gồm: Khách địa phương lưu trú tại KKT 24 giờ trở lên được phép mua hàng miễn thuế, áp dụng cho du khách nước ngoài đến khu thương mại tự do và được miễn thị thực 30 ngày khi đến lưu trú tại KTT Vân Phong; đặc biệt, đề xuất được phép kinh doanh casino cho người nước ngoài và cả người Việt. Đây được xem là những đề xuất sẽ mang đến bước tiến lớn cho ngành giải trí – du lịch cao cấp tại KKT Vân Phong. Ngoài ra, phải nâng cấp Hòn Gốm từ khu phi thuế quan thành khu thương mại tự do để đẩy mạnh nâng cấp về ngành hậu cần.
Về đóng tàu, phát triển thủy sản và các mục tiêu khác cần thêm 7 chính sách. Cụ thể, cung cấp vật tư, linh kiện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 6 năm và giảm 50% trong vòng 13 năm tiếp theo; miễn thuế hải quan đối với nguyên liệu thô, linh kiện dùng để sản xuất và sửa tàu biển.
Những đề xuất của BCG – IRSD tập trung toàn diện vào sự phát triển tối đa của KKT Vân Phong và các địa phương liên quan như sẽ yêu cầu Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ 70% chi phí xử lý nước thải cho hoạt động chế biến thủy sản. Các dự án nuôi trồng thủy sản được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành, dự án công nghệ sạch, công nghệ cao và dự án đầu tư vào khu thương mại tự do được giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt thời gian hoạt động. Đặc biệt, yêu cầu sử dụng nguồn lực từ địa phương bao gồm 60% nguyên liệu thủy sản địa phương và 30% lao động địa phương.